Loạn thị là gì?
- Loạn thị là một tật khúc xạ mắt thường gặp, xảy ra khi hình ảnh mà mắt quan sát khi đi vào mắt lại không thể hội tụ ở võng mạc, khiến mắt bị mờ. Loạn thị thường là kết quả của một giác mạc bị bẻ cong hoặc biến dạng. Nếu giác mạc bị méo mó về bất cứ hướng nào cũng ảnh hưởng đến thị lực. Điều này có thể ảnh hưởng đến chúng ta ở mọi lứa tuổi. Với các nghiên cứu gần đây cho thấy loạn thị có thể xảy ra ở trẻ em 5 tuổi.
- Giác mạc là bộ phận trong suốt có hình chỏm cầu, nằm phía trước nhãn cầu, giác mạc cho phép ánh sáng đi vào trong mắt. Giác mạc khi không còn giữ được độ cong hoàn hảo mà bị biến dạng sẽ khiến các tia sáng đi vào mắt, hội tụ ở nhiều điểm khác nhau (phía trước hoặc phía sau võng mạc) gây ra loạn thị. Ngoài ra loạn thị còn có thể xảy ra do độ cong của thủy tinh thể bất thường.
- Vậy loạn thị khác cận thị như thế nào? Hiểu một cách đơn giản, bệnh cận thị là một tật khúc xạ khiến mắt không thể nhìn những vật ở xa mà chỉ nhìn được cự ly gần, còn loạn thị là nhìn hình ảnh không rõ, mờ nhòe dù nhìn gần hay xa. Cận thị thường tiến triển nặng dần lên theo thời gian nếu không được điều chỉnh và chăm sóc cẩn thận. Ngược lại, loạn thị thường không bị nặng lên theo thời gian.
Dấu hiệu và nguy cơ của tật loạn thị
- Tiền sử gia đình có người bị loạn thị hoặc mắc các rối loạn ở mắt, đặc biệt là người có cả bố và mẹ đều bị loạn thị thì nguy cơ bị loạn thị của người đó rất cao
- Người có tổn thương mắt như sẹo giác mạc
- Có tiền sử phẫu thuật mắt như phẫu thuật đục thủy tinh thể
- Tuổi tác cao cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tật loạn thị. Trên thực tế, người cao tuổi thường có nguy cơ mắc loạn thị cao hơn so với người trẻ.
Nhận biết triệu chứng của tật loạn thị
Những người bị tật loạn thị thường gặp phải các triệu chứng như sau:
- Mắt mờ, nhìn hình ảnh bị mờ nhòe hoặc bị méo mó ở mọi khoảng cách;
- Tầm nhìn đôi: Nhìn 1 vật có 2 hoặc 3 bóng mờ;
- Gặp khó khăn khi nhìn ở mọi khoảng cách, đặc biệt khi lái xe ban đêm;
- Một số dấu hiệu kèm theo khác: Nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, nhức đầu, đau cổ, đau vai gáy…
Điều trị bệnh loạn thị
- Trường hợp nhẹ, bệnh loạn thị có thể không cần điều trị. Nhưng nếu bị nặng, cần phải áp dụng các biện pháp điều trị để tránh bệnh diễn biến nặng hoặc gây ra nhược thị. Các biện pháp điều trị phổ biến:
- Kính thuốc: Hầu hết các trường hợp loạn thị đều có thể điều chỉnh bằng kính thuốc. Đây là biện pháp đơn giản, được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao, ít để lại biến chứng. Bệnh nhân nên tìm hiểu và đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn loại kính phù hợp với mức độ và nhu cầu.
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp bị loạn thị nặng và phương pháp điều chỉnh bằng kính thuốc không đạt kết quả, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật. Đây là phương pháp sử dụng tia laser hoặc dao vi phẫu để định hình lại giác mạc vĩnh viễn. Phổ biến nhất có thể kể đến thay đổi khúc xạ định hình nhu mô giác mạc (LASIK), thay đổi khúc xạ cắt bỏ biểu mô giác mạc (PRK), thay đổi khúc xạ định hình giác mạc vạt dưới biểu mô (LASEK).
Phòng ngừa loạn thị
- Loạn thị do di truyền là không thể phòng tránh. Tuy nhiên theo các chuyên gia tại bệnh viện mắt, các nguyên nhân còn lại có thể được phòng ngừa và hạn chế bằng cách:
- Tránh các tổn thương mắt có thể xảy ra;
- Làm việc ở nơi có ánh sáng đầy đủ, tránh nơi quá tối hoặc phải đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc với nguồn sáng quá mạnh và chói;
- Dành thời gian để mắt nghỉ ngơi khi làm việc trước máy tính, đọc sách hay các công việc tỉ mỉ khác;
- Điều trị các bệnh lý về mắt (nếu có), điều trị sớm và triệt để, tránh gây biến chứng loạn thị;
- Khi đã bị loạn thị rồi thì phải đi khám và điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng;
- Ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho mắt như cá hoặc thức ăn giàu vitamin A có trong các loại quả màu đỏ (gấc, cà rốt, cà chua,…).